Quyết định lựa chọn sử dụng dịch vụ tư vấn soạn thảo hợp đồng là một khoản đầu tư thông minh so với chi phí phải bỏ ra khi có rủi ro pháp lý.
Trong nền kinh tế thị trường các cá nhân, tổ chức đều tham gia vào nhiều giao dịch dân sự. Giao dịch dân sự thông qua hình thức hợp đồng dân sự là chủ yếu. Bởi vậy hợp đồng dân sự đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống hàng ngày và hoạt động kinh doanh.
1. Khái niệm hợp đồng dân sự
Hiện nay vẫn còn không ít người hiểu biết biết hạn chế về pháp luật của hợp đồng dân sự. Bởi vậy, Công ty luật Thái An xin giới thiệu những nét chính về “Hợp đồng dân sự”.
Hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ trong những quan hệ cụ thể.
Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự (Theo điều 388 Bộ luật dân sự 2005 (BLDS). Như vậy, một hợp đồng phải xuất phát từ sự thỏa thuận, nhưng không phải mọi thoả thuận đều là hợp đồng. Chỉ những thoả thuận làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự mới tạo nên quan hệ hợp đồng.
2. Các hình thức của hợp đồng dân sự
Hình thức của hợp đồng dân sự rất đa dạng. Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời mói, bằng văn bản hoặc bằng hỏi cụ thể, khi Pháp luật không quy định loại Hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định (Điều 401 BLDS).
Hình thức giao kết miệng (bằng lời nói )
Hình thức này thường được áp dụng với các trường hợp thỏa thuận thực hiện một công việc với giá trị của hợp đồng không lớn hoặc khi các bên hiểu biết, tin tưởng lẫn nhau, hoặc là các đối tác tin cậy lâu năm hoặc là những hợp đồng sau khi giao kết, thực hiện sẽ chấm dứt (mua bán ngoài chợ, cho bạn thân vay tiền).
Hình thức giao kết bằng hành vi cụ thế
Trường hợp bên mua và bên bán thỏa thuận nhau nếu bên bán gửi thư báo giá, mà bên kia không trả lời tức là đã chấp nhận mua hàng theo giá được chào.
Hình thức bằng văn bản (viết )
Các bên giao kết hợp đồng thống nhất về quyền và nghĩa vụ hợp đồng bằng văn bản. Các bên thỏa thuận với nhau về những nội dung chính mà đã cam kết và người đại diện của các bên phải ký hợp đồng.
3. Chủ thể hợp đồng dân sự
Các bên tham gia quan hệ hợp đồng dân sự là cá nhân (bao gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài) pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác.
Cá nhân: Phải có đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự.
Pháp nhân: Khi giao kết hợp đồng dân sự pháp nhân phải thông qua người đại diện của mình (đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền).
Hộ gia đình, hợp tác xã: Khi giao kết hợp đồng dân sự, hộ gia đình, hợp tác phải thông qua người đại diện của họ hoặc người được ủy quyền.
4. Nội dung của hợp đồng dân sự
Nội dung chính của hợp đồng dân sự là những điều khoản mà các chủ thể tham gia hợp đồng đã thỏa thuận, như các điều khoản xác định những quyền và nghĩa vụ dân sự cụ thể của các bên trong hợp đồng. Đây cũng chính là điều khoản cần phải có trong một hợp đồng.
Tuỳ theo từng loại hợp đồng, các bên có thể thoả thuận về những nội dung sau đây:
- Đối tượng của hợp đồng là tài sản phải giao, công việc phải làm hoặc không được làm
- Số lượng, chất lượng
- Giá, phương thức thanh toán
- Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng
- Quyền, nghĩa vụ của các bên
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng
- Phạt vi phạm hợp đồng
- Các nội dung khác
5. Các điều khoản cơ bản của hợp đồng dân sự:
Có thể phân chia các điều khoản hợp đồng thành ba loại sau đây:
a. Điều khoản cơ bản
Là những điều khoản xác định nội dung chủ yếu của hợp đồng, là những điều khoản không thể thiếu được đối với từng lọai hợp đồng. Nếu không thể thỏa thuận được về những điều khoản đó thì xem như hợp đồng không thể giao kết được (Điều khoản về đối tượng của hợp đồng, giá cả, địa điểm, cách thức thanh tóan hay thực hiện nghĩa vụ…)
Ngoài ra có những điều khoản vốn dĩ không phải là điều khoản cơ bản nhưng các bên thấy cần phải thỏa thuận được mới ký kết hợp đồng thì cũng được xem là những điều khoản cơ bản của hợp đồng.
b. Điều khoản thông thường
Là những điều khoản do pháp luật quy định. Nếu khi giao kết hợp đồng, các bên không thỏa thuận những điều khoản này thì vẫn coi như hai bên đã mặc nhiên thỏa thuận và được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Thí dụ: Địa điểm giao tài sản là động sản trong hợp đồng mua bán tài sản là tại nơi cư trú của người mua.
c. Điều khoản tùy nghi
Là các điều khoản mà các bên tham gia ký kết hợp đồng tùy ý lựa chọn, thỏa thuận để xác định quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên.
d. Phụ lục hợp đồng
Kèm theo hợp đồng có thể có phụ lục để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng.
Trong trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
5. Thời điểm hiệu lực của hợp đồng dân sự
Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có qui định khác.
6. Hợp đồng dân sự vô hiệu
a. Hợp đồng dân sự vô hiệu toàn bộ
Các trường hợp hợp đồng vô hiệu toàn bộ:
- Người tham gia giao dịch không có năng lực hành vi dân sự
- Mục đích và nội dung của giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội
- Người tham gia giao dịch không hoàn toàn tự nguyện
- Giao dịch không đáp ứng được về hình thức, trong trường hợp pháp luật có quy định hình thức giao dịch là điều kiện có hiệu lực của giao dịch
b. Hợp đồng vô hiệu từng phần
Giao dịch dân sự vô hiệu từng phần khi một phần của giao dịch vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của giao dịch.
7. Thực hiện hợp đồng dân sự
Trường hợp hợp đồng được giao kết hợp pháp thì sẽ có hiệu lực bắt buộc đối với các bên (chủ thể hợp đồng). Có thể nói, hợp đồng có hiệu lực pháp luật sẽ phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong hợp đồng.
8. Xử lý vi phạm hợp đồng dân sự
Việc vi phạm của một trong các bên trong hợp đồng sẽ dẫn tới việc áp dụng các hình thức chế tài dân sự.
Các hình thức chế tài mà một bên trong hợp đồng có quyền bị vi phạm được lựa chọn là:
- Buộc thực hiện nghĩa vụ (các Điều 303, 304, 412, 413, 414 BLDS)
- Hoãn thực hiện nghĩa vụ (Điều 415 BLDS)
- Cầm giữ tài sản (Điều 416 BLDS)
- Huỷ bỏ hợp đồng (Điều 425 BLDS)
- Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng (Điều 426 BLDS)
- Phạt vi phạm (Điều 422 BLDS)
- Bồi thường thiệt hại (từ Điều 302 đến Điều 308 BLDS)